Trong suốt 2 năm qua, những thông tin về dự án Thought Machine, được kỳ vọng sẽ thay đổi tương lai ngành tài chính ngân hàng, luôn được giữ bí mật tuyệt đối.
Ngành ngân hàng đang rất cần một hệ thống "core banking" hiện đại.
Một công ty khởi nghiệp do 2 cựu kỹ sư Google dẫn dắt vừa hé lộ một vài thông tin hiếm hoi về hệ điều hành đám mây VaultOS giúp kết nối hệ thống lõi của ngành tài chính ngân hàng trong thế kỷ này. VaultOS chính là sản phẩm của dự án bí mật Thought Machine.
Paul Taylor (trái), CEO của dự án bí mật Thought Machine.
Hơn 50 kỹ sư tài giỏi nhất được hai cựu kỹ sư Google là Paul Taylor và Will Montgomery tuyển chọn đã âm thầm cống hiến cho dự án Thought Machine trong suốt 2 năm qua. Thought Machine là một trong những nỗ lực tổng thể đầu tiên giúp xây dựng hệ thống máy tính hiện đại nhất cho ngành ngân hàng. Nền tảng này ứng dụng các công nghệ mới nhất hiện nay là hạ tầng đám mây và blockchain.
Blockchain là phương pháp ghi dữ liệu, có thể coi là “cuốn sổ cái” lưu các giao dịch, thỏa thuận, hợp đồng và bất kỳ dữ liệu gì mà ngân hàng cần ghi chép một cách độc lập hay xác minh sự tồn tại của nó. Nói ngắn gọn, blockchain chính là công nghệ sổ cái phân tán. Công nghệ này vốn được sử dụng cho việc lưu hành tiền ảo bitcoin.
Thực tế, Thought Machine và VaultOS là "con đẻ" của Paul Taylor, chính là người bán công ty khởi nghiệp chuyên nhận dạng giọng nói Phonetic Arts cho Google năm 2010, rồi sau đó tiếp tục làm việc cho Google 3 năm sau sáp nhập. Còn Will Montgomery, cựu kỹ sư Google thuộc mảng AdSense, là người phát triển các ứng dụng cho dự án Thought Machine.
Về cơ bản, VaultOS hơi giống một chút so với Amazon Web Services hoặc Google Drive, nhưng nó được gọi là "ngân hàng lõi" (core banking) bởi cho phép ngân hàng có thể ghi lại các khoản tiền gửi và tài khoản. Nó giống như "trái tim" ngân hàng để từ đó có thể phát triển những công nghệ và dịch vụ liên quan.
Nhiều ngân hàng đang sử dụng hệ thống IT cũ rích.
Ngày nay, hầu hết các ngân hàng đều sử dụng hệ thống máy tính cũ kỹ, một số còn từ những năm 70 của thế kỷ trước, nên rủi ro rất lớn. Biết là vậy nhưng các ngân hàng cũng không dám nâng cấp vì sợ phát sinh trục trặc hoặc đổ vỡ cả hệ thống.
Thường những hệ thống cũ này không thể kết nối với nhau, do vậy rất cần một phần mềm, hoặc đôi khi là phương pháp nhập liệu thủ công, để nhận biết và xử lý những gì đang diễn ra trong hệ thống. Nói một cách ngắn gọn, các hệ thống cũ của ngân hàng thường chạy ậm ạch, ngốn nhiều chi phí và thiếu tin cậy.
Chính những trục trặc về ngân hàng lõi đã khiến cho khách hàng của ngân hàng lớn như "Royal Bank of Scotland" không thể rút tiền từ máy ATM, hoặc hệ thống ngân hàng HSBC không thể chi trả trong ngày lễ mua sắm lớn.
Có nhiều lý do ngân hàng không dám nâng cấp hệ thống IT, đặc biệt là core banking. Thứ nhất, mỗi ngân hàng đều hoạt động dựa trên nhiều quy định tài chính khắt khe mà đôi khi họ buộc phải vận hành hệ thống đáp ứng theo mà không có lựa chọn nào khác. Nếu hệ thống vẫn hoạt động và vẫn đáp ứng yêu cầu cơ bản đặt ra thì không có lý gì ngân hàng phải chịu rủi ro để nâng cấp chúng lên.
Thứ hai, trong 5 năm trở lại đây, ngành ngân hàng chưa từng chịu áp lực phải nâng cấp và hiện đại hóa để đáp ứng kỳ vọng khách hàng giống như nhiều ngành công nghiệp khác. Chính vì vậy, họ không có động lực bắt buộc để sẵn lòng nâng cấp lên hệ thống mới.
Ngoài ra, các ý tưởng mới hay thậm chí là các công ty khởi nghiệp sáng tạo cũng lưỡng lự khi phát triển giải pháp mới cho ngành này. Điều đó đồng nghĩa với việc các ngân hàng không có nhiều lựa chọn sản phẩm thay thế. Trong ngành tài chính, khi cần xử lý những khối tiền giao dịch khổng lồ hàng ngày, phải có động lực rất lớn nào đó mới khiến các ngân hàng chấp nhận rủi ro để nâng cấp lên hệ thống mới.
Hệ điều hành VaultOS được kỳ vọng sẽ "cách mạng hóa" ngành tài chính ngân hàng.
Về phần VaultOS, nó không chỉ hứa hẹn ngăn chặn những sự cố IT trong ngân hàng mà còn cho phép ngân hàng làm những việc mà trước đây họ không thể. VaultOS được phát triển trên công nghệ "hợp đồng thông minh", cho phép người kiểm soát có thể tạo ra các sản phẩm riêng như thế chấp, khoản vay, và thấu chi cho từng khách hàng.
VaultOS được so sánh với NikeID, công nghệ cho phép chọn màu sắc tùy ý và chất liệu sản xuất từ trang web trực tuyến. Tương tự, VaultOS cho phép ngân hàng có thể cá nhân hóa các dịch vụ cho từng khách hàng mà không gặp bất cứ khó khăn nào.
Tất nhiên, ngay cả với VaultOS, các ngân hàng cũng sẽ rất thận trọng. Các bước chuyển biến sẽ diễn ra rất chậm. Họ cần chạy song song với hệ thống hiện có ít nhất một năm trước khi chuyển hoàn toàn sang VaultOS.
Hiện tại, đã có hai ngân hàng thử nghiệm giải pháp VaultOS. Đó là một ngân hàng tư nhân và ngân hàng thương mại. Thought Machine đang mời gọi một số ngân hàng thương mại khác thử nghiệm hệ thống mới với hy vọng sẽ đạt con số 10 ngân hàng vào cuối năm nay.
Mark Warrick, giám đốc sáng tạo và thiết kế của Thought Machine
Theo tiết lộ của Mark Warrick, giám đốc sáng tạo và thiết kế của Thought Machine, hiện đã có một số giám đốc công nghệ (CTO) và giám đốc hệ thống thông tin (CIO) tiếp cận với dự án, ngỏ lời sẵn sàng thử nghiệm nền tảng VaultOS. "Chúng tôi đã giậm chân tại chỗ quá lâu, và giờ đến lúc cần phải đầu tư cho tương lai", các CTO và CIO nói với Mark Warrick.
Warrick không tiết lộ những "đại gia" cấp tiền cho Thought Machine mà chỉ nói rằng dự án đang được "đầu tư rất lớn".